CÂY ĐINH

Đôi khi, bạn có thể cảm thấy mình không được chú ý đến nhiều như mong muốn,
nhưng nếu bạn bỏ cuộc, bạn chẳng những không thay đổi được gì, mà còn tự xoá bỏ đi vai trò của mình.
Chúng ta sống đâu chỉ vì mình !


Tại một thành phố nọ, người ta xây dựng một hội trường rất cao, rất to, đến mức một người đứng từ xa cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Ai đến thăm cũng hết lời khen ngợi vẻ đẹp của hội trường này.

Phía trên nóc, một cây đinh nằm im lắng nghe. Nó nghe thấy mọi người khen ngợi đủ mọi thứ, về màu sơn, về kiến trúc tinh tế, về bức tường chắc chắn… Nhưng chẳng có một lời nào về cây đinh cả ! Chẳng ai biết có cây đinh ở đó, thế là nó nổi cáu.

“Với họ, mình đâu có là cái… đinh gì !” – Cái đinh lầu bầu – “Sẽ chẳng ai nhớ tới mình đâu, dù mình sẽ không còn ở đây nữa !”

Dứt lời, cây đinh tự nhổ mình ra khỏi chỗ đang đứng trên nóc nhà, buông rơi xuống vũng nước mưa bên dưới nền đất.

Tối hôm đó, không ngờ trời mưa rất to. Miếng ván lợp trên nóc nhà không có đinh giữ chắc, đã bị gió lốc cuốn đi, và thế là trần nhà bắt đầu bị dột. Nước mưa chảy vào hội trường, thấm ướt hết tường và cả những bức tranh đẹp treo trên tường. Trời mưa ngày một to, dần dần, các lớp vữa tường cũng bắt đầu bị thấm, thảm trải nền nhà cũng bị ố vì ướt sũng nước. Tất cả chỉ vì một cây đinh bé tẹo đã bỏ cuộc !

Thế còn đinh nhà ta thì sao ? Khi còn giữ miếng ván lợp trên nóc, nó không được mọi người để ý đến, nhưng nó vẫn là một cây đinh có ích. Đến khi rơi xuống vũng nước bây giờ đã thành bùn lệt xệt, nó vẫn không được ai để ý đến, mà tệ hơn, lại chẳng còn làm được việc gì nữa, hoàn toàn vô dụng, nó nằm đó, rỉ sét theo năm tháng...

Bạn biết đấy, mỗi người đều có vai trò của mình trong cuộc sống phong phú này, có những người ở vị trí nổi bật, có những người ở vị trí khiêm nhường… Đôi khi, bạn có thể cảm thấy mình không được chú ý đến nhiều như mong muốn, nhưng nếu bạn bỏ cuộc, bạn chẳng những không thay đổi được gì, mà còn tự xoá bỏ đi vai trò của mình. Chúng ta sống đâu chỉ vì mình !

Lm. Giuse Lê Quang Uy DCCT biên tập lại ngày 15.4.2014
từ trang Nhịp Cầu Giáo Lý của Giáo Phận Sàigòn